(TBVTSG) - ZenithOptimedia, đơn vị chuyên về nghiên cứu thuộc hãng quảng cáo Publicis (Pháp), dự báo đến năm 2017, mức chi tiêu cho việc quảng cáo trực tuyến trên mạng di động của các doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ lần đầu tiên vượt mức chi tiêu quảng cáo qua mạng máy tính.

quangcaotructuyen

Theo kỳ vọng của ZenithOptimedia, các doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ chi khoảng 99,3 tỉ đô la Mỹ (hơn 2.200 tỉ đồng) cho việc quảng cáo trực tuyến qua mạng di động vào năm 2017, cao hơn 2% so với tổng mức chi tiêu quảng cáo qua trang mạng máy tính. Zenith dự báo rằng hoạt động quảng cáo trực tuyến qua máy tính sẽ giảm dần qua các năm 2016, 2017 và 2018 với các mức giảm tương ứng là 0,9%, 0,4% và 6%.

Đây là lần thứ hai cơ quan nghiên cứu này hạ mức dự báo mức tăng trưởng chi tiêu cho quảng cáo toàn cầu năm 2016 xuống 4%, so với mức dự báo 4,6% đưa ra trước đó trong tháng 3.

Các thị trường chi tiêu cho dịch vụ quảng cáo hàng đầu thế giới tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định từ nay cho đến năm 2018. Trong đó, mức chi tại thị trường Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn nhất cho tổng mức chi tiêu của ngành này trên toàn cầu, tiếp đến là Mỹ.

Theo cuộc nghiên cứu vừa được hãng Forrester công bố tuần qua, mức chi tiêu quảng cáo hiển thị trực tuyến tại Trung Quốc sẽ đạt 14 tỉ đô la trong năm nay, trong đó 20% là phần đóng góp từ các giao dịch quảng cáo tự động (Programmatic).

Dù quy mô và tỷ trọng còn khá nhỏ bé so với nhiều thị trường trưởng thành khác như Mỹ, nhưng mức chi tiêu cho công nghệ Programmatic ở Trung Quốc lại cho thấy tốc độ tăng trưởng thần tốc, theo nhận định của Wang Xiaofeng – chuyên gia phân tích cấp cao chuyên về mảng tiếp thị B2C (từ doanh nghiệp đến khách hàng) tại Forrester.

Ông Wang giải thích rằng mức tăng trưởng này được tiếp động lực rất lớn từ sự bùng nổ trong việc chi tiêu cho quảng cáo hiển thị trực tuyến ở Trung Quốc (đang đứng thứ hai toàn cầu). Nhu cầu của nhà quảng cáo trong việc cải thiện tính hiệu quả của các giao dịch truyền thông ngày càng tăng tại thị trường đông dân nhất thế giới này. Điều này đặc biệt quan trọng bởi thị trường quảng cáo số ở Trung Quốc ngày càng trở nên phân mảnh hơn so với các thị trường phương Tây, khiến cho các nhân viên tiếp thị hết sức khó khăn nếu muốn đạt được những kết quả tích cực từ các khoản đầu tư của doanh nghiệp mình.

Các giao dịch truyền thông về Programmatic ở Trung Quốc được xem là “thị trường của người bán” với sự thống trị của một số người khổng lồ Internet nội địa như Baidu, Alibaba và Tencent – hay còn được biết đến với tên gọi ngắn gọn ‘BAT’.

Ông Wang cũng nhấn mạnh rằng một số giải pháp Programmatic như Ad Exchange (chợ quảng cáo) hay DSP (nền tảng hỗ trợ bên mua) đã đạt đến độ chín muồi nhất định ở Trung Quốc. Đây là hai nền tảng xuất hiện từ những ngày đầu, phát triển cùng với sự tăng trưởng của thị trường quảng cáo số nội địa và đến nay đã trở thành cốt lõi của hệ sinh thái Programmatic nơi đây.

Với việc BAT thống trị địa hạt quảng cáo số, Wang cho rằng các công ty cung cấp dữ liệu độc lập đang dần nhận ra những mối thách thức phải đối mặt khi muốn tìm kiếm và xác lập vị thế trong một thị trường định hướng dữ liệu. Wang giải thích rằng BAT ý thức rất cao về vai trò của việc bảo mật dữ liệu vì lợi ích của chính mình cũng như giúp duy trì lợi thế cạnh tranh, và cả ba vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình chắt lọc dữ liệu có giá trị để phục vụ hoạt động tiếp thị.

Ông bổ sung thêm rằng hầu hết các đơn vị hỗ trợ giao dịch truyền thông (ADT, agency trading desks) đều trực thuộc các tập đoàn truyền thông toàn cầu và chỉ mới hiện diện ở thị trường châu Á hai năm trở lại đây, do đó chậm chân hơn rất nhiều và khó có thể cạnh tranh với các DSP nội địa.

Nguồn: TBVTSG

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung